Blogger Phạm Minh Hoàng: "Tôi Không Thể Nào Bị Tước Quốc Tịch"

Editor's Note: The English translation of professor Phạm Minh Hoàng's "On the Record" segment aired in Loa's Episode 74 on June 19, 2017. Below is a transcript of the original Vietnamese interview.


Một giáo sư Việt Nam bị cấm giảng dạy, và một chút bản sắc Việt Nam cuối cùng cũng bị tước mất: quốc tịch Việt Nam của ông. Vào đầu tháng 6, Giáo sư Phạm Minh Hoàng bất ngờ nhận được tin chủ tịch nước đã ra quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông. Nhà bất đồng chính kiến Phạm Minh Hoàng năm nay 61 tuổi, là một người viết blog về nhân quyền, công lý, xã hội và nạn tham nhũng tại Việt Nam. Ông là thành viên của đảng tranh đấu cho dân chủ Việt Tân (Podcast Loa là một chương trình của đảng Việt Tân). Giáo sư Hoàng là người có song tịch Pháp-Việt, hiện nay đang có nguy cơ bị trục xuất sang Pháp bất cứ lúc nào. Vào ngày 17 tháng 6, ông đã trò chuyện từ Sài Gòn với phóng viên của Loa, Lilly Nguyễn.
 

Lilly Nguyễn: Xin chào Thầy Phạm Minh Hoàng.

Phạm Minh Hoàng: Xin chào chị.

Lilly Nguyễn: Thưa thầy chúng tôi được biết là vài tuần qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã ký một quyết định để hủy bỏ quốc tịch Việt Nam của thầy, và thầy có thể bị trục xuất khỏi quê hương Việt Nam bất cứ lúc nào. Xin cám ơn thầy hôm nay đã dành thời gian để tiếp chuyện với đài Loa về tình trạng khó khăn của thầy, để khán giả có thể hiểu thêm về câu chuyện của thầy.

Phạm Minh Hoàng: Vào đầu tháng 6, thì Tổng Lãnh Sự (TLS) Pháp mời tôi lên. Sở dĩ họ mời tôi lên vì tôi có 2 quốc tịch Pháp và Việt. Họ mời tôi lên để thông báo cái tin là nhà nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, đã ký một cái quyết định là tước quốc tịch của tôi.

Theo TLS, cái văn bản này đã được ký vào ngày 17 tháng 5, nhưng mà, vào cái thời điểm ông ta thông báo cho tôi, ông ta cũng không nhận được, và dĩ nhiên tôi cũng không nhận được giấy tờ gì cả. Lúc mà tôi nghe cái tin này thật sự tôi rất bàng hoàng, bởi vì tôi nghĩ cái chuyện tước quốc tịch này nó sẽ đưa đến cái hệ quả trực tiếp là tôi sẽ bị trục xuất. Và cái chuyện đó thật sự tôi không mong muốn chút nào cả.

Bởi vì việc trục xuất tôi ra khỏi nước sẽ đưa đến cái hệ lụy là gia đình tôi ly tán. Tôi được phép kể chi tiết là như thế này: Tôi là người Pháp, tôi có một cháu gái (con gái), cháu cũng quốc tịch Pháp luôn. Ở trong trường hợp trục xuất, cháu cũng có thể đi với tôi hoặc là đi sau cũng được. Tuy nhiên, vợ tôi là chị Lê Thị Kiều Oanh thì quốc tịch Việt Nam, vợ tôi phải ở lại đây để trông một người anh. Anh tôi là một người lính của Việt Nam Cộng Hòa, anh tôi đã bị thương trong trận Tống Lê Chân vào năm 1973. Hiện thời hoàn cảnh của anh tôi phải nói là xấu, gần như là mù, gần như là điếc và liệt một nữa người. Thì bắt buộc trong cái hoàn cảnh đấy phải có người ở nhà để trong nom, gần như là thường xuyên.

Ngoài ra, vợ tôi cũng phải ở lại trông mẹ già mà năm nay cũng đã được 80 tuổi rồi. Nói tóm lại cái hoàn cảnh của tôi nó là như thế. Cho nên cái chuyện trục xuất chắc chắn đưa đến cái chuyện ly tán.

Lilly Nguyễn: Khi phóng viên AFP hỏi về quyết định tước bỏ quốc tịch của thầy trong một cuộc họp báo, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trả lời như sau: “Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việt Nam tước quốc tịch, được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam”. Tại sao họ lại cho thầy là một mối đe dọa nền an ninh quốc gia?

Phạm Minh Hoàng: Thật sự mà nói, chị biết ở Việt Nam pháp luật nó cũng rất là tùy tiện. Ngay trong cái lời phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng; bà ta cũng chỉ là một đại diện cho một cái cơ quan hành pháp. Theo hiến pháp Việt Nam thì tôi chỉ có tội khi toà án kết án tôi là vi phạm an ninh quốc gia. Tòa án chưa có kết án gì tôi cả, vậy mà bả nói là tôi vi phạm an ninh quốc gia.

Thứ hai nữa, vi phạm an ninh quốc gia cụ thể nó là cái hành động nào? Nếu mà chị cũng như là các quý thính giả có theo dõi cũng biết tôi đã từng bị kết án 17 tháng tù và ba năm quản chế. Sau thời gian đó, những cái hoạt động của tôi nó cũng chỉ là ở trong cái khuôn khổ cũng rất nhẹ nhàng. Tôi tiếp tục viết bài, tôi tiếp tục nói lên cái quan điểm của tôi về dân chủ, về tham nhũng, về môi sinh, về bảo toàn lãnh thổ. Đó là những chuyện ai cũng có thể làm được, và thậm chí, nói thật đó là cái bổn phận, đó là cái bổn phận mà chúng ta bắt buộc phải làm.

Và đặc biệt tôi với tư cách là một người thầy giáo, mặc dù tôi không được đi dạy nữa, tôi vẫn có cái quyền, vẫn có cái chính kiến của tôi về những cái cải cách của giáo dục nhà nước. Nói tóm lại, việc làm của tôi thật sự rất ôn hòa, nhẹ nhàng và thậm chí là tôi không bao giờ sử dụng những ngôn từ có tính mạt sát, tính mạ lị cả.

Tôi ngồi phân tích lại với bạn bè, với lại gia đình, với những người đã từng đi đấu tranh và cũng đang đi đấu tranh, mọi người đi đến một kết luận như thế này. Đó là họ dùng cái việc này để họ nhắm vào đảng Việt tân, vì trước đây tôi bị kết án là thành viên của đảng Việt Tân. Và sau này ra, tôi vẫn dùng cái ngòi bút của tôi, và họ cho rằng cái việc làm này của tôi vẫn là việc làm cho Việt Tân. Đây là hành động để tôi tạm gọi là răn đe tất cả những người nào đã có dính dáng tới Việt Tân. Ở đây, cái hình thức trừng phạt (đó là cái chữ của họ), trừng phạt tất cả người nào có liên hệ tới Việt Tân, và dĩ nhiên trừng phạt đảng Việt Tân. Đó là tất cả cảm nhận của tôi.

Lilly Nguyễn: Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch mô tả việc tước quốc tịch của thầy là một sự vi phạm nhân quyền hoàn toàn không có thích đáng, cũng như cái quyết định đó đã thể hiện thêm một cái bước lùi của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc đối xử với các nhà bất đồng chính kiến. Thưa thầy, có phải chăng đảng cộng sản Việt Nam đang muốn tìm mọi cách, mọi lý do để trục xuất thầy ra khỏi Việt Nam?

Phạm Minh Hoàng: Vâng, thì đó cũng là cái cảm nhận của tôi cũng như một số người. Nghĩa là những người mà đấu tranh nói chung, họ không có nhất thiết thuộc một đảng phái, một tổ chức nào cả, nhưng mà một khi mà cái hành động của họ được đánh giá là “nguy hại cho an ninh quốc gia”, tôi xin xài trong ngoặc kép, vì nguy hại cho an ninh quốc gia chúng ta hiểu thế nào cũng được.

Những người nào đấu tranh, họ hoặc cô lập, họ dùng các biện pháp để triệt tiêu, đó là tôi chưa kể cái biện pháp võ lực. Và nếu không được nữa thì đi đến cái hoàn cảnh của tôi, đó là họ dùng biện pháp trục xuất đưa tôi ra nước ngoài để giảm thiểu cái nguy hại cho họ, và đó là điều đang xãy ra.

Lilly Nguyễn: Trường hợp của thầy là trường hợp duy nhất từ trước tới giờ hay là nhà cầm quyền Việt Nam đã từng đưa ra quyết định tương tự?

Phạm Minh Hoàng: Tôi có dịp trò chuyện với phóng viên đài AFP tại Hà nội, đây là trường hợp độc nhất lần đầu tiên xãy ra đó chị à.

Lilly Nguyễn: Cho Lilly trở lại với văn thư chính thức quyết định do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành căn cứ vào Điều 88 và Điều 91 của Hiếp pháp Việt Nam, cũng như bộ Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Theo Lilly được biết Điều 88 và 91 cho phép Chủ tịch nước vài quyền hạn để ban hành lệnh nhưng trong quyết định tước quốc tịch của thầy không hề đề cập gì về vấn đề vi phạm pháp luật hoặc thầy đã xâm phạm an ninh quốc gia như thế nào. Nói thế thì xem như ông chủ tịch nước đã lạm dụng quyền hạn để đưa ra một quyết định vô lý nào đó để tước quyền công dân của thầy?

Phạm Minh Hoàng: Vâng, chính xác là như thế. Đúng như chị nói, ông ta đã chiếu theo Điều 88 và 91 của Hiến pháp cho phép ông ta một số quyền hành trong việc tước quốc tịch. Tuy nhiên cái lý do tước quốc tịch của tôi thì ổng viên vào Bộ Luật Quốc Tịch. Luật quốc tịch nó có tới mấy chục điều, thì ổng viên vào cái điều nào? Chiếu theo bộ luật, mà cái điều nào? Tôi vi phạm tất cả mấy chục điều hay sao?

Thứ hai, chuyện quan trọng không kém đó là luật sư đã chứng tỏ cho tôi thấy đó là cho dù tôi vi phạm những điều an ninh quốc gia, họ không thể tước quốc tịch tôi được. Tôi xin được phép cắt nghĩa như thế này:

Trong bộ luật quốc tịch Việt Nam, họ quy định một số đối tượng, có hai đối tượng có thể bị tước quốc tịch. Đối tượng thứ nhất là một người nước ngoài như Pháp, Mỹ, họ xin vào quốc tịch Việt Nam. Đối tượng thứ hai là người Việt Nam có quốc tịch Việt Nam nhưng đang sống ở nước ngoài. Hai đối tượng này nếu vi phạm pháp luật đi tới tình trạng ảnh hưởng an ninh quốc gia thì chủ tịch nước có quyền tước quốc tịch của họ.

Tôi không hề xin quốc tịch Việt Nam. Bố mẹ tôi đẻ ra tôi, tôi đã có quốc tịch Việt Nam rồi. Thứ 2, tôi đang sống trong nước. Rõ ràng tôi không phải trong hai đối tượng này.  Vì thế tôi không thể nào bị tước quốc tịch, cho dù tôi có làm gì chăng nữa.

Luật sự họ cũng đã cắt nghĩa và cái văn bản của ông chủ tịch Trần Đại Quang ký thật sự vi phạm pháp luật Việt Nam.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định: "Tôi mãi mãi là người Việt Nam và không một ai có thể tước đi cái quyền ấy." (Ảnh: Facebook/Phạm Minh Hoàng)

Giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định: "Tôi mãi mãi là người Việt Nam và không một ai có thể tước đi cái quyền ấy." (Ảnh: Facebook/Phạm Minh Hoàng)

Lilly Nguyễn: Thầy có song tịch Pháp-Việt nhờ thời gian sống tại Pháp. Tuy nhiên để phản đối quyết định tước quốc tịch, thầy đã tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp. Trong lúc rất nhiều người ước mong được sống trong một xứ sở tự do, thì thầy lại quyết định thà ở lại chịu đựng sự đàn áp của chính quyền, trả đũa từ phía chính quyền, dù xác suất đi tù rất cao. Xin thầy cho mọi người hiểu rõ thêm về quyết định của thầy?

Phạm Minh Hoàng: Quyết định của tôi cũng rất là bình thường. Một người Việt Nam sinh ra và lớn lên bao giờ cũng vậy, họ cũng mong ước sống trên cái mảnh đất mà họ đã được sinh ra, tạm gọi tiếng Việt Nam là “chôn nhau cắt rốn". Tôi cũng như mọi người vậy thôi, tôi cũng ao ước được sống, được làm việc và thậm chí được chết ở đây - chuyện rất bình thường. Cái mong ước của tôi nó lớn và tôi nghĩ nó vượt qua khỏi mọi trở ngại. Lúc họ đưa ra văn bản tước quốc tịch của tôi, tôi nghĩ làm sao tôi từ bỏ quốc tịch Pháp trước để quốc tịch Việt Nam họ không tước được nữa. Lý luận của tôi là một lý luận rất đơn sơ mà thôi.

Trở lại cái chuyện tại sao có những người họ mong đi, thì tôi nghĩ ai cũng thế, ai cũng yêu quê hương đất nước của mình. Họ ra ngoài chắc chắn là bất đắc dĩ thôi. Tôi cũng biết nhiều người họ muốn ra ngoài. Tôi cũng biết nhiều người ở ngoài đang muốn trở về nước nhưng hoàn cảnh không cho phép. Tất cả là những hình ảnh rất là đau buồn của đất nước chúng ta. Lựa chọn của tôi cũng là một lựa chọn đau buồn. Sự lựa chọn của tôi là để chia sẽ tất cả những đau thương của đất nước Việt Nam ở trong hoàn cảnh ngày hôm nay.

Lilly Nguyễn: Thầy bảo rằng sẽ không rời nhà để tránh rủi ro bị cưỡng bức trục xuất. Chuyện này ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của thầy như thế nào?

Phạm Minh Hoàng: Lúc tôi đang nói chuyện với Lilly ở đây, đối diện trước nhà tôi cách đây khoảng 15 mét thì họ ngồi đấy, họ cứ theo dõi tất cả những hành động của tôi. Tôi bước ra ngoài là họ đi theo ngây. Chị cũng biết là sống trong một hoàn cảnh như thế rất là căng thẳng. Dù họ chỉ đi theo tôi họ chưa có đến nổi ngăn cản tôi, nhưng mà chị cũng như các thính giả cứ đặt mình vào trong trường họp đó của tôi thì chị sẽ cảm thấy sự căn thẳng như thế nào. Bây giờ tôi bước ra ngoài, tôi mua một tô bún riêu, gói xôi - họ cũng đi theo. Nhiều người bảo là mình cứ coi như họ không có đi, nhưng mà không dễ để làm được như vậy. Trong một chế độ như ở Việt Nam này, nó sử dụng mọi biện pháp để cô lập và khủng bố tinh thần. Hoàn cảnh của tôi nó là như vậy. Tôi luôn cố gắng để thích ứng để có thể được sống ở đây.

Lilly Nguyễn: Hiện nay thầy có những sự lựa chọn nào khác?

Phạm Minh Hoàng: Hiện thời sau khi tôi nhận được việc tước quốc tịch, tôi và một số bạn bè ở nước ngoài cũng như ở trong nước cũng đã lên tiếng. Đặc biệt là mình cố gắng tác động lên chính phủ Pháp, cũng như các chính phủ yêu chuộng tự do. Tôi đang có một cái hy vọng mong manh. Các cuộc thương lượng đó sẽ tốt đẹp cho tôi. Nhưng chị cũng biết, các cuộc thương lượng họ sẽ không bao giờ nói cho mình biết nội dung là gì cả. Một khi mà họ đạt được hoặc không đạt được thì họ sẽ thông báo cho mình để mình chuẩn bị cho những ngày tháng của mình. Tôi cũng đang sống trong cái trạng thái chờ đợi.

Chúng tôi đã làm hết những gì chúng ta có thể làm được. Nhưng kết quả thì không ai biết trước được. Trong hoàn cảnh của tôi, tôi cũng phải chuẩn bị đón nhận những gì xấu nhất có thể xảy ra, như bị trục xuất.

Lilly Nguyễn: Nhân viên sứ quán Pháp họ phản ứng như thế nào trước quyết định này? Họ đã làm những gì để tranh đấu cho thầy và thầy nghĩ việc gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới?

Phạm Minh Hoàng: Sứ quán Pháp, trong lĩnh vực ngoại giao, họ rất thẩn trọng trong vấn đề phát biểu. Ngay cả đối với tôi họ coi tôi là một người tin cậy, và họ coi tôi là một người đấu tranh cho tự do, công bằng, bác ái - là ba tiêu chí của nền cộng hoà Pháp. Trong một chừng mực nào đấy, họ cũng tôn trọng tôi. Tuy nhiên trong hoàn cảnh của họ, là một nhân viên lãnh sự cũng như nhân viên ngoại giao, họ chỉ có thể phản đối một cách chừng mực thôi. Và ngay cả với tôi, họ bày tỏ là việc làm của tôi rất đáng khâm phục. Tuy nhiên việc nhà nước tước quốc tịch của tôi là chuyện nội bộ Việt Nam. Pháp không có làm được gì nhiều vì Việt Nam là một nước có chủ quyền, họ không có quyền can thiệp vào việc tước quốc tịch công dân Việt Nam.

Lilly Nguyễn: Khi thầy vừa được biết quyết định tước quốc tịch, trong một lá thư tâm tình đăng trên Facebook gửi đến bạn bè thân hữu, thầy viết:

“Tháng 11/1973… nhưng tôi còn nhớ như ngày hôm qua, tôi cất bước sang Paris du học. Khi máy bay đang lượn trên bầu trời Sàigòn, tôi nhìn qua cửa sổ và tự nhủ sẽ trở về để xây dựng quê hương đang điêu tàn vì chiến tranh.

Thưa thầy Hoàng, thầy rời Việt Nam năm 1973 và cuối cùng trở lại quê hương năm 2000 sống cho tới bây giờ. Trong 17 năm qua thầy có đạt được những gì thầy mong muốn trong việc xây dựng quê hương sau điêu tàn chiến tranh?

Phạm Minh Hoàng: Chắc chắn ước mơ chưa hoàn thành rồi tại vì đất nước của chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề, từ chính trị, đến môi sinh, đến y tế, v.v. Tôi không có tham vọng giải quyết hết tất cả. Đất nước còn ngổn ngang như vậy thì chắc là những ước mơ của tôi, dự tính của tôi đã không hoàn thành. Tuy nhiên tôi cũng tạm gọi rất là hãnh diện, hài lòng với chính tôi. Trong 10 năm giảng dạy trong Trường Đại Học Bách Khoa, tôi đã làm hết chức năng của một người thầy, là truyền đạt đến cho sinh viên những kiến thức mà tôi đã có được ở nước ngoài, hoặc những lớp mà tôi đã thâu lượm được trong thời gian tôi học hành.

Tôi rất là hãnh diện bởi vì tôi so sánh với những người bạn đồng nghiệp của tôi thì tôi thấy tôi, trong suốt thời gian đấy, tôi làm việc một cách có lương tâm. Tôi đặt vị trí của sinh viên lên trên hết, quyền lợi của sinh viên lên trên hết. Tôi nỗ lực 100% hơn để tôi chuyển đạt đến với các em những kiến thức của tôi. Đối với tôi đó là điều thành công nhất của tôi. Cho đến ngày hôm nay, cho dù sự nghiệp bị dỡ gian, tôi đã bị bắt và tôi không được đi dạy nữa nhưng tôi rất hãnh diện. Nhưng mà  tôi vẫn suy nghỉ, như Việt Nam mình có câu, “người tính không bằng trời tính", tôi đã dự tính như thế, tôi đã cố gắng thế nhưng mà trời đất đã quyết định cách khác.

Tôi là một người công giáo thì trong giai đoạn này tôi phải tìm chỗ nương tựa tinh thần ở Thiên Chúa. Gia đình và các cha đến thăm tôi, thì tôi cũng nói đây là Thiên Chúa đã sắp xếp cho tôi được về Việt Nam, Thiên Chúa đã sắp xếp tôi vào tù, thì bây giờ sắp xếp tôi phải đi ra ngoài. Mỗi lần như vậy là Thiên Chúa đóng một cánh cửa không cho tôi làm cái này nữa nhưng Thiên Chúa lại mở cho tôi một cánh cửa khác. Thì tôi với niềm tin đấy, tôi cố gắng tiếp tục sống để phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho dân tộc. Và đó là cái niềm tin mà tôi giữ để tôi có thể sống được và làm việc cho những tháng ngày tới.

Lilly Nguyễn: Thầy có lời chia sẻ nào khác cho thính giả trước khi chấm dứt?

Phạm Minh Hoang: Lời chia sẻ sau cùng cho tôi được gửi lời cám ơn mọi người khắp nơi đã động viên tôi. Nhiều hơn nữa là các bạn đã bỏ công sức ra để liên lạc chính giới để can thiệp giúp đỡ cho tôi. Làm tôi không cảm thấy cô đơn trong cuộc chiến ngày hôm nay. Tôi cũng sẽ không cảm thấy cô đơn trong những ngày tới và tôi chúc sức khoẻ cho mọi người và chúng ta sẽ sánh vai bên nhau để đấu tranh cho tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam chúng ta.

Lilly Nguyễn: Cám ơn thầy. Thay mặt cho các anh em đài Loa, chúc sức khỏe đến thầy và mong thầy bình an trong những ngày sắp tới.